Những món ăn đặc sản Việt Nam Bạn Nên Thử Một Lần Trong Đời

Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa lâu đời và giàu đẹp. Mỗi vùng đất đều mang những nét đặc sắc riêng biệt và mang lại nhiều ấn tượng cho du khách mỗi khi ghé thăm. Người ta yêu vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc của các danh lam thắng cảnh, quý cái vẻ hiền lành, thân thiện của con người Việt Nam và đặc biệt xuýt xoa trước ẩm thực độc đáo nơi đây. Dưới đây là danh sách món ăn đặc sản Việt Nam bạn nên thử một lần trong đời

1. Phở Hà Nội

Phở là một trong những món ăn du khách không thể bỏ qua khi đến với Hà Nội nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Phở Việt Nam, đặc biệt  là Phở Hà Nội đã từng lọt vào danh sách 50 món ngon thế giới do CNN bình chọn vào tháng 3/2018.

Phở được chế biến rất kỳ công, nước dùng thường được ninh từ xương bò trong nhiều tiếng, kết hợp với bánh phở, thịt bò hoặc thịt gà thái lát mỏng cùng với các gia vị đi kèm. Bát phở dậy mùi thơm ngào ngạt, hương vị đậm đà làm nức lòng du khách mỗi khi thưởng thức.

Chúng ta có thể tìm thấy phở ở bất kỳ nơi đâu trên mảnh đất hình chữ S. Tuy nhiên, phở Hà Nội vẫn là sự lựa chọn tuyệt vời nhất bởi đây là cái nôi tạo ra món phở. Phở Hà Nội được các đầu bếp nổi tiếng trên thế giới vô cùng yêu thích chẳng hạn như: Đầu bếp giành ‘Oscar ẩm thực’ Alain Dutournier, Bếp trưởng người Anh Gordon Ramsay…

Phở Hà Nội

Phở Hà Nội

2. Gỏi cuốn Sài Gòn

Gỏi cuốn là món ăn đẹp bên ngoài và hấp dẫn bên trong. Bún hoặc phở, các loại rau cùng một số loại thịt như thịt lợn, bò, tôm, cá, cua được sắp xếp gọn gàng và cuốn bằng bánh tráng cuộn tạo nên những chiếc gỏi cuốn đẹp mắt và dễ cầm.

Gỏi cuốn phải ăn kèm với nước chấm. Nước mắm thường được pha chế từ dấm, đường, tỏi ớt tạo nên hương vị chua cay mặn ngọt, kích thích mọi vị khác của người thưởng thức.

Một số nơi pha chế bột đao, hành tỏi xay hay dùng nước cốt dừa đun sôi tạo nên nước sốt sánh mượt. Đặc biệt tại Hà Nội thường dùng thêm rượu nếp cái vừa pha vào nước sốt vừa cho thêm một chút vào nhân nem.

Gỏi cuốn Sài Gòn

Gỏi cuốn Sài Gòn

3. Cơm tấm Sài Gòn

Khi đất nước còn nghèo, người ta thường tận dụng những hạt gạo xay bị gãy để nấu cơm nên gọi là cơm tấm. Ngày nay, cơm tấm đã trở thành một món ăn bình dân được mọi người ưa thích.

Cơm tấm Sài Gòn được tạo nên từ những hạt gạo dẻo thơm, rưới thêm một ít nước mỡ hành béo ngậy cùng với các món ăn chính như sườn nướng, bì, chả, trứng ốp la,…  Để cho dễ ăn, nhiều nơi còn có thêm bát canh rau nóng hổi.

Cơm tấm Sài Gòn

Cơm tấm Sài Gòn

4. Bánh đa cua Hải Phòng

Bánh đa cua là một món ăn vô cùng dân dã, chỉ thưởng thức ở Hải Phòng mới cảm nhận hết hương vị thơm ngon của nó. Chỉ nghe tên ai cũng biết được nguyên liệu chính của món ăn là cua và bánh đa. Cua đồng được chọn phải là cua béo, yếm cua đầy, sau đó xay nhuyễn cua, nấu thành gạch cua và phi với hành tỏi cho thơm. Nước dùng của món bánh đa cua được ninh từ xương ống lợn, tôm nõn hay sá sùng, nấm hương,…

Bánh đa cua Hải Phòng

Bánh đa cua Hải Phòng

Ngoài sự kỳ công trong chế biến cua và nước dùng, việc sử dụng bánh đa đỏ cũng tạo nên sự khác biệt cho món ăn này. Bánh đa đỏ được trần qua nước sôi để sợi bánh được mềm rồi mới ăn được. Bánh đa cua Hải Phòng ăn kèm với các loại rau ghém, ớt chưng, mắm tôm, chanh, ớt ngâm giấm.

5. Cơm cháy Ninh Bình

Cơm cháy là đặc sản của Ninh Bình – vùng đất cố đô Hoa Lư. Gạo làm cơm cháy đặc sản Ninh Bình phải là gạo dẻo, được chọn lọc kỹ càng rồi được nấu bằng nồi gang có đáy dày, phải canh cho nước, lửa vừa đủ để có được cơm cháy ngon nhất. Cơm được lấy ra phơi hoặc sấy khô rồi đem bọc kín trong túi nilon dùng dần, khi ăn mới cho những miếng xém vào chảo dầu sôi chiên lên.

Nước sốt cũng đa dạng và đòi hỏi chất lượng không kém cơm cháy. Thông thường cơm cháy Ninh Bình có nước sốt làm từ thịt dê hoặc tim cật xào với hành tây, cà rốt và hành hoa. Nước sốt ăn kèm cơm cháy thường có vị cay, đủ độ sánh để ngâm vào miếng cơm, giúp miếng cơm mềm và cuốn hút thực khách.

Cơm cháy Ninh Bình

Cơm cháy Ninh Bình

6. Miến lươn Nghệ An – Ngọt lành như sông Lam

Nghệ An là một món ăn đặc sản Việt Nam cầu kỳ trong cách chế biến trở thành món ăn hấp dẫn du khách khi đến với Việt Nam. Lươn được làm sạch sau đó tẩm ướp với nhiều loại gia vị rồi xào hoặc chiên giòn lên. Các loại rau gia vị như rau răm, hành lá được thái nhỏ. Miến trần qua nước dùng để thấm được độ đậm đà trước khi cho ra bát.

Miến sau khi khô được xào kỹ cùng thịt lươn đã được chiên giòn. Miến mềm lại được làm theo cách khi miến còn ướt sẽ trộn với thịt lươn hấp. Sợi miến trong quá trình nấu luôn giữ được độ trong và dai, không bị nát ăn kèm với thịt lươn đậm đà rất tuyệt vời.

Miến lươn Nghệ An

Miến lươn Nghệ An

7. Mì Quảng – Ấm áp vị xứ Quảng

Khi ghé thăm vùng đất Quảng Nam, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức món mì Quảng đặc sản Quảng Nam thơm ngon. Nhiều người nhận xét rằng mì Quảng giống với món phở, bún thông thường. Thế nhưng món ăn này vẫn mang trong mình nét độc đáo khác biệt.

Gạo ngon được ngâm với nước sau đó đem đi xay mịn và tráng thành các lớp bánh mỏng. Khi các lớp mì chín sẽ được vớt ra rồi đặt lên mâm và dùng hành lá được nhúng qua lớp dầu và thoa lên mì. Xắt mì thành sợi mỏng rồi trộn cùng các nguyên liệu khác để sợi mì dai và giòn hơn khi thưởng thức.

Mì Quảng

Mì Quảng

8. Bánh khọt Vũng Tàu – Chinh phục mọi vị giác Khi nhắc đến

Vũng Tàu, người ta sẽ nghĩ ngay đến những món ăn ngon được chế biến từ hải sản tươi sống. Thế nhưng một món ăn khá độc đáo được nhiều du khách lựa chọn thưởng thức đó chính là món bánh khọt. Đây là món ngon Việt Nam nhất định bạn nên thử một lần.

Những chiếc bánh khọt được làm từ bột gạo, khéo léo qua bàn tay của người làm. Bánh khọt Vũng tàu có độ dai và giòn vừa phải và được trang trí bởi tôm đã bóc vỏ và hành lá đã được xắt nhuyễn.

Bánh khọt Vũng Tàu

Bánh khọt Vũng Tàu

Nước chấm của món bánh ngọt được pha cân đối với vị chua ngọt rất vừa miệng. Bánh khọt Vũng Tàu được chấm với nước chấm cho thêm những sợi cà rốt, đu đủ ngâm cùng với giấm, đường, ăn kèm với xà lách, húng quế, tía tô, ngò gai,… nên không hề bị ngán mà rất thơm ngon.

9. Mực khô

Mực khô là một món ăn đặc sản của Việt Nam. Được xem như là món quà ban tặng từ biển cả, món mực khô luôn là món đặc sản được rất nhiều người ưa chuộng. Không chỉ là món ăn ngon mà trong thành phần của mực khô còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. 

Mực khô nổi tiếng vì khi ăn có vị ngon, ngọt, càng ăn càng có vị thơm..Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có khá nhiều đại lý cung cấp mực khô không rõ ràng, vì thế khi mua hàng cần tìm hiểu cách chọn mực khô ngon.

Theo nhà báo ẩm thực Triệu Thị Chơi, hiện đang là quản lý, biên tập viên tại Vifoodshop cho biết:

mực khô cung cấp một lượng đạm rất lớn tới 60,1 g/ 100 g lớn hơn rất nhiều so với các thực phẩm thông thường vd như: trứng gà 14,8 g / 100 g; Thịt bò loại 1 21 g/ 100 g; Thịt heo nạc 19 g/ 100 g. Như vậy, mực khô không chỉ là một món đặc sản được nhiều người yêu thích mà trong thành phần dinh dưỡng của mực khô chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
Mực khô

Mực khô thành phần có chứa nhiều chất dinh dưỡng

10. Bánh cống Sóc Trăng

Bánh cống là đặc sản của người Khmer Nam Bộ. Nguyên liệu làm nên chiếc bánh cống bao gồm bột gạo, đậu nành, đậu xanh, tôm, thịt lợn, hành khô cùng các gia vị. Để làm được loại bánh này cần có một dụng cụ đặc biệt là cái cống để chiên bánh. Cống có hình dáng giống một cốc cà phê nhỏ, cao 10cm. Cũng vì thế nên người ta mới gọi là bánh cống.

Bánh cống Sóc Trăng

Bánh cống Sóc Trăng

Bánh cống có màu vàng sậm và có mùi thơm cực kỳ hấp dẫn. Hình dáng bánh vừa vặn, có một con tôm nằm khoanh tròn trông rất bắt mắt. Khi ăn, bột bánh giòn tan ở trong miệng, cảm nhận rõ vị béo của ít mỡ sa, đậu xanh và thịt lợn. Khác với những loại bánh khác, bánh cống không ăn với cải xanh mà ăn với bắp cải, rau răm, xà lách và diếp cá. Chính những điều này đã tạo nên hương vị đặc trưng cho bánh cống Sóc Trăng.

11. Chả cá Lã vọng

Chả cá Lã vọng là món chả cá đặc sản của Hà Nội. Cá được chọn để làm chả là cá Lăng, đây là loại cá ít xương, ngọt thịt và rất giàu giá trị dinh dưỡng. Thịt cá được lọc theo kiểu lạng từ hai bên sườn, thái mỏng và ướp với nước cốt riềng, nghệ, mè, hạt tiêu, mắm tôm khoảng 2 giờ đồng hồ rồi kẹp vào vỉ nướng, quyết một lớp mỡ hành và tiến hành nướng chín.

Khi chuẩn bị ăn, cho cá nướng vào chảo mỡ có thêm chút mỡ chó, đây được xem là bí quyết gia truyền, tạo nên hương vị đặc trưng cho món ăn này.

Chả cá Lã vọng

Chả cá Lã vọng

Chả cá Lã vọng phải ăn nóng, gắp từng miếng cá ra bát , rưới nước mỡ đang sôi lên trên và ăn kèm với bún, bánh đa nướng, lạc rang, thì là,… Đặc biệt món ăn này không thể thiếu mắm tôm. Mắm tôm được pha chế bằng cách cho nước cốt chanh, một ít mỡ nóng, rượu trắng và ớt tươi cắt lát rồi đánh sủi bọt lên. Để hoàn thành món ăn này phải trải qua rất nhiều công đoạn, nên nó trở thành một trong những tinh hoa của ẩm thực Hà Nội.

12. Phở khô Gia Lai

Phở khô Gia Lai còn được gọi là phở hai tô. Thay vì dùng một tô như các loại phở khác, món ăn này gồm có một tô đựng bánh phở, một tô khác là nước dùng. Bánh phở được làm từ bột gạo nhưng không ướt mềm, to như sợi tươi mà nó khô, sợi nhỏ, mảnh, thậm chí còn mảnh hơn nhiều so với sợi hủ tiếu. Người ta phải trụng nóng sợi phở sao cho khi ăn có độ dai và khô nhất định.

Phở khô Gia Lai

Phở khô Gia Lai

Phở khô Gia Lai ăn kèm với thịt gà và thịt bò. Phở khô gà làm từ thịt gà còn dính da, xé phay, thêm thịt lợn băm, tóp mỡ, hành phi. Phở khô bò gồm thịt bò tái và bò viên. Nước dùng của phở khô được ninh từ xương gà vô cùng thơm và ngọt. Sợi phở dai, khô ăn kèm với nước dùng nóng hổi, thơm lừng cùng với thịt, rau tươi ngon là niềm tự hào của ẩm thực nơi đây.

13. Bánh canh Trảng Bàng

Muốn thưởng thức bánh canh Trảng Bàng ngon, thực khách phải ghé thăm mảnh đất Tây Ninh. Bánh canh Trảng Bàng thoạt nhìn có hình thức giống như các loại bánh canh khác.

Tuy nhiên chính bí quyết gia truyền lâu đời đã khiến bánh canh nơi đây có hương vị đặc trưng, ăn một lần là nhớ mãi. Gạo được sử dụng làm bánh canh phải là gạo thơm ngon nhất, tạo nên những sợi bánh bùi, trắng và không quá dai. Nướng dùng được nấu trong veo, đậm đà hương vị thịt heo nạc.

Bánh canh Trảng Bàng

Bánh canh Trảng Bàng

Bánh canh ăn kèm với một loại bánh tráng đặc biệt là bánh tráng phơi sương, rau cuốn bánh tráng bao gồm rau rừng, rau trồng và rau sông. Tô bánh canh Trảng Bàng nóng hổi nghi ngút khói, hương vị đậm đà của nước dùng, mặn mà của nước chấm hòa quyện với vị cay nồng của rau rừng sẽ khiến thực khách hài lòng khi thưởng thức.

14. Nem chua Thanh Hóa

Thanh Hóa nổi tiếng với nhiều món ăn đặc sản nổi tiếng, tuy nhiên, Nem chua Thanh Hóa vẫn nổi tiếng là ngon và hấp dẫn nhất.

Nem chua Thanh Hóa là đặc sản nổi tiếng bởi vị chua thanh, giòn, ngọt, cay đậm đà. Để có được nem chua mà mọi người thưởng thức, người làm ra sản phẩm đã phải kì công qua nhiều công đoạn. Từ khâu chọn nguyên liệu cho tới khi tiến hành đóng gói sản phẩm. Khi làm chua Thanh Hóa phải cực kì tỉ mỉ và cẩn thận.

Trước đây, Nem chua Thanh Hóa thường được dùng trong các dịp lễ, hội tết..chủ yếu phục vụ cho nhu cầu cuộc sống thường ngày. Ngày nay, nem chua Thanh Hóa đã phổ biến hơn, không chỉ cung cấp cho người dân trong tỉnh Thanh Hóa mà còn khắp mọi miền tổ quốc..

Bài viết trên đây của Amthuc24h.com.vn đã giới thiệu đến bạn các món ăn đặc sản Việt Nam đến từ nhiều vùng miền khác nhau. Ngoài ra, Amthuc24h còn mang đến cho bạn những kinh nghiệm ẩm thực phong phú.

3 Comments - Add Comment

Reply